Truyền thống văn hóa
Lưu dân người Việt vùng đất Hưng Hà để tạp lập cuộc sống mới, ngoài hành trang mang theo của cải vật chất còn có yếu tố tinh thần, kinh nghiệm sản xuất, phong tục, tập quán từ vùng quê cũ( miền trung, miền Bắc), đã được cư dân thế hệ đầu tiên biến đổi phù hợp với điều kiện tự nhiên-xã hội của vùng đất mới. Nhiều phong tục tập quán với những quy định về nếp sống gia đình và xã hội, phong tục, tập quán gắn liền với đời người như hôn nhân, tang lễ, đầy tháng, thôi nôi, mừng thọ, lên lão…cũng như những lễ nghi cổ truyền của dân tộc như thờ cúng gia tiên, Tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, Rằm tháng Bảy, Trung Thu, cúng ông Địa, cúng ông Táo…và những lễ thức mang yếu tố tín ngưỡng dân gian như cúng miếu, lễ cầu mưa, tống phong, tống ôn, được lưu dân người Việt kế thừa và phát huy. Tuy nhiên trên vùng đất mới với những đặc trưng hoang sơ, rộng lớn, có nhiều thú dữ, vì vậy nhân dân ở đây có thêm nhiều phong tục mới như thờ thần Hổ, cúng thần Nông, cúng ông địa, thờ bà Ngũ Hành, bà Chúa Xứ…
Ngày nay với nhiều lý do khác nhau, phần lớn phong tục tập quán nơi đây ít nhiều bị mai một. Tuy vậy nhân dân Hưng Hà vẫn còn gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, đó là văn hóa truyền thống cần được bảo lưu cho thế hệ hiện tại và sau này.
Về ngành nghề truyền thống , trước đây ở Hưng Hà có nghề đương đệm bàng, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Hiện nay nghề đương đệm đã mai một. Bên cạnh đó, còn có những gia đình sống bằng nghề chài lưới qua nhiều thế hệ, hiện nay do nhu cầu nuôi trồng thủy sản phổ biến nên nghề chài lưới cũng đã mai một.